Một đĩa trứng xào gần 500 ngàn đồng, ba đĩa cơm rang gần nửa triệu và những bữa ăn bị đội giá nhiều lần là những ví dụ dễ thấy cho nạn chặt chém, tâm lý làm ăn chụp giật ở nhiều điểm du lịch.

Không khó để kể ra những vụ chặt chém khách du lịch gây choáng váng. Càng ở những điểm nóng du lịch càng dễ gặp. Dịp Tết nguyên đán vừa rồi, một nhóm khách chưa đầy 10 người phải thanh toán gần 10 triệu đồng cho bữa ăn ở Nha Trang, trong đó đáng chú ý có đĩa cơm trắng giá 200 ngàn đồng. Khách du lịch bức xúc lên mạng tố một số nhà hàng ở Nha Trang tính giá 500 ngàn đồng đĩa trứng xào cà chua, đậu bắp luộc 300 ngàn đồng, mì xào hải sản 500 ngàn đồng/phần, rau mồng tơi xào tỏi 250 ngàn/đĩa. Toàn những thứ bình dân không đáng đắt “cắt cổ” như thế.

“Mài dao” 9 tháng…

Sầm Sơn một số năm gần đây được khen vì môi trường du lịch cải thiện, nạn chặt chém được cải thiện đáng kể. Tuy thế một số vụ bắt chẹt khách xảy ra khiến khách du lịch mất niềm tin: Ngồi uống nước dừa tại bãi biển, ngoài tiền đồ uống khách trả thêm 30 ngàn đồng/ghế. Khách nhờ hấp 14kg tôm bị chém tới 2,8 triệu đồng tiền phí. Một nhóm phụ huynh tổ chức dã ngoại cho nhóm học sinh cấp 3 Hà Nội tại khu du lịch Hải Tiến phản ánh, khi bước chân ra chợ hải sản địa phương bị nói thách. Khách hàng mua cá xong hỏi chi phí đóng gói bị tính 80 ngàn đồng/ thùng xốp. “Thiện cảm ban đầu đối với khu nghỉ dưỡng tan biến, những việc nhỏ này dễ khiến du khách mất hứng”, vị khách này nói.

“Hiện tượng chặt chém thường rơi vào dịp lễ hội, mùa cao điểm lễ tết do tình trạng quá tải. Khi lượng khách đổ về quá đông, một số người kinh doanh có tâm lý tranh thủ làm ăn chụp giật”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Cty TransViet nói. Ông phân tích, tình trạng này thường gặp ở miền Bắc do đặc thù mùa vụ, nhiều cửa hàng có tính tạm bợ. “Với khu du lịch biển ở miền Bắc thường chỉ tắm biển được một mùa, nên họ dễ có tâm lý “mài dao 9 tháng chờ chém 3 tháng”. Một số người kinh doanh không hiểu biết nghĩ khách du lịch chỉ đến một lần nên tội gì không chặt chém bù lại chi phí mặt bằng”, ông Đạt nói.

Các công ty du lịch cảnh báo hiện tượng vào mùa cao điểm ở các khu như Cát Bà, Hạ Long, Sầm Sơn thường khách sạn kèm điều kiện muốn thuê phòng dịp lễ tết phải kèm theo bữa ăn. Đây thực chất là thỏa thuận giữa hai bên, tuy nhiên nếu khách không tìm hiểu kỹ khi tới nơi không có nhu cầu ăn dễ nảy sinh mâu thuẫn với bên cung cấp dịch vụ, ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm du lịch.

QUẢN LÝ THẾ NÀO?

“Hành vi của những người kinh doanh do tư lợi ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh du lịch địa phương. Chính quyền từng có thời gian dài buông lỏng quản lý khiến người dân tẩy chay du lịch Sầm Sơn, tuy nhiên vài năm trở lại đây chính quyền vào cuộc để lấy lại uy tín cho Sầm Sơn. Vì thế tôi cho rằng nếu chính quyền địa phương không quản lý chặt ắt du lịch xảy ra chuyện chặt chém”, ông Nguyễn Tiến Đạt nêu.

Trong các cuộc họp chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2019-Nha Trang, Khánh Hòa, ông Trần Việt Trung – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa nhắc tới các giải pháp chấn chỉnh ngăn cháy phòng do đầu cơ, nâng giá trục lợi trong dịp festival biển Nha Trang. Mới đây nhất, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa công bố 22 khách sạn và khu du lịch không đảm bảo điều kiện kinh doanh lưu trú, khuyến cáo công ty lữ hành và khách du lịch nên tránh xa. UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các ban ngành phối hợp, yêu cầu các cơ sở kinh doanh niêm yết giá, đăng ký kê khai giá.

Chính quyền thị xã Cửa Lò vừa thông báo các đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh sự cố, nạn chặt chém. Cửa Lò gần đây cũng được đánh giá là một trong những điểm đến du lịch an toàn, quản lý chặt chẽ về giá cả. Không chỉ ở vai trò của chính quyền, những người trực tiếp kinh doanh cũng tự ý thức trách nhiệm làm du lịch bền vững.

Ông Đinh Văn Linh, Giám đốc điều hành chuỗi khách sạn 4 sao Summer ở Cửa Lò cho hay luôn niêm yết giá phòng với bên lữ hành, khách lẻ. “Chúng tôi không tăng giá vào dịp lễ, giá phòng thường bán linh hoạt tùy thời điểm và không bao giờ vượt khung niêm yết. Tôi nghĩ rằng nếu đơn vị nào chặt chém khách chỉ lừa khách được một lần thôi, sau đó khách sẽ không bao giờ trở lại”, ông Linh nói.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung trao đổi với Tiền Phong, cho biết khuyến cáo địa phương phải tăng cường công tác quản lý nhà nước. “Địa phương phải tổ chức kiểm tra, thanh tra các hàng quán, khách sạn, điểm mua sắm yêu cầu niêm yết giá, xem xét xem giá công khai đó có tương xứng với dịch vụ không. Nếu phát hiện vi phạm chính quyền phải xử lý nghiêm, thông báo rộng rãi đồng thời khuyến cáo người dân du lịch thông minh chọn đơn vị cung cấp uy tín”, ông nói.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch nêu ví dụ một số địa phương mới đây tổ chức được các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch cho nhóm những người như lái xích lô, đánh giày, bán hàng rong.

Theo Báo Tiền Phong

> Khánh Hòa: Từ khi nào đường Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành bãi đậu xe?

> Khánh Hòa: Giao dự án di tích lịch sử cho tư nhân trái quy định

> Viết tiếp bài “Buông lỏng quản lý, xây dựng trái phép tràn lan ở Khánh Hoà”: Tiếp tay cho sai phạm hay quản lý yếu kém?

 

 

 

 

Quảng cáo