Chủ đầu tư dự án Tổ hợp khách sạn – căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa vừa có văn bản xin UBND tỉnh, Sở Xây dựng Khánh Hòa đồng ý đấu nối điện, nước để tháo dỡ 3 tầng vượt.

Chỉ cách trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa chừng vài trăm mét, dự án Mường Thanh Khánh Hòa là tâm điểm của dư luận khi việc xử lý các cá nhân sai phạm có liên quan kéo dài từ năm này qua năm khác.

Xin tháo dỡ 3 tầng vượt

Văn bản gửi chính quyền tỉnh, Sở Xây dựng Khánh Hòa do ông Phan Huy Thông – Giám đốc Chi nhánh DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên khách sạn Mường Thanh Khánh Hòa – ký, nêu: “Doanh nghiệp chúng tôi cần có điện, nước để thực hiện tháo dỡ các tầng 41 đến 42 trở lên của công trình dự án”.

Việc tháo dỡ các tầng vượt nói trên nhằm thực hiện chỉ đạo báo cáo việc điều chỉnh độ cao một số công trình theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP.Nha Trang đến năm 2025 của UBND tỉnh Khánh Hòa và việc xây dựng phương án tháo dỡ các tầng 41, 42 và 43 thuộc dự án Tổ hợp khách sạn – căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa tại lô TM2 (thuộc Khu dân cư Cồn Tân Lập, phường Xương Huân, Nha Trang) của Sở Xây dựng Khánh Hòa.

“Đề nghị UBND tỉnh, Sở Xây dựng có ý kiến đồng ý với kiến nghị của chúng tôi về việc cho đấu nối lại điện, nước, giúp chúng tôi nhanh chóng tháo dỡ các tầng nói trên đảm bảo tiến độ, tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật” – ông Thông cho hay. Có thể nói, đó là lựa chọn cuối cùng của chủ đầu tư dự án Mường Thanh Khánh Hòa nếu không muốn công trình tiếp tục bị “nhốt”, trong khi rất nhiều khách hàng bị trễ hạn bàn giao căn hộ.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc mua bán căn hộ tại dự án tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp Mường Thanh tại khu dân cư cồn Tân Lập, phường Xương Huân, Nha Trang là không hợp pháp. Vì vậy, UBND tỉnh cho biết việc giải quyết quyền lợi đối với các khách hàng đã mua căn hộ du lịch của dự án này là trách nhiệm của chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư và khách hàng không tự thỏa thuận được, đề nghị các bên liên hệ tòa án để được thụ lý giải quyết.

Tại văn bản trả lời cử tri, ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – cho rằng, mọi trường hợp mua bán căn hộ tại dự án, chủ đầu tư phải thông báo cho Sở Xây dựng trước khi thực hiện. Tuy nhiên, từ sau khi được cấp Giấy phép xây dựng số 210 (ngày 30.10.2014, trong đó cho phép chủ đầu tư xây dựng căn hộ chung cư tại công trình), chủ đầu tư không có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng về việc mua bán căn hộ tại dự án trên.

“Treo” câu hỏi trách nhiệm suốt nhiều kỳ họp

Từ khi Mường Thanh Khánh Hòa phát hiện sai phạm, gần như lần nào trước kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa, cử tri cũng yêu cầu UBND tỉnh trả lời, trong đó đề nghị phải thông tin cụ thể cho cử tri biết về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với các sai phạm tại dự án này. “Ngoài Sở Xây dựng, còn tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm với những sai phạm của dự án?” – cử tri hỏi. Thế nhưng, lại một kỳ họp nữa (kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VI), câu hỏi trách nhiệm tiếp tục bị “nợ” một cách khó hiểu.

“Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát, củng cố lại toàn bộ hồ sơ pháp lý và các nội dung có liên quan đến dự án. Căn cứ các quy định của pháp luật, các cơ quan này sẽ tham mưu UBND tỉnh việc xử lý dự án nêu trên, kể cả hậu quả pháp lý nếu có khi thực hiện việc xử lý.

Dựa trên báo cáo tổng hợp của Thanh tra tỉnh, UBND tỉnh sẽ xem xét việc xử lý, giải quyết tất cả các nội dung có liên quan của dự án; đồng thời sẽ thông báo cho cử tri biết trong kỳ họp tới” – câu trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Đến nay, công luận chỉ được biết, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có liên quan đến việc chậm xử lý sai phạm của dự án này. Kết quả kiểm điểm thế nào, cử tri cũng không được chính quyền tỉnh Khánh Hòa cho biết.

Chiều 17.7, trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Văn Thọ – Phó GĐ Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa – cho biết, sau khi tiếp nhận đề xuất của chủ đầu tư dự án Mường Thanh đấu nối điện nước để tháo dỡ các tầng vượt, Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư trình phương án tháo dỡ, sau đó ra văn bản đề xuất với UBND tỉnh hướng xử lý.

“Tại dự án có 2 nguồn điện. Điện, nước lâu nay họ vẫn có để thi công mà. Quá trình thi công, vận thăng lên xuống, cần cẩu vẫn có điện. Đó là điện thi công, phải cho họ sử dụng vì luật mới bây giờ mình không cấm họ được. Bây giờ họ xin bắt điện, nước tiêu dùng thì có ý đồ gì đây, nên cũng phải xem xét” – ông Thọ nói.

NHIỆT BĂNG/Báo Người Lao Động
——- ——-
Quảng cáo