Tại TP Nha Trang, có một người đàn ông chuyên sưu tập các cối đá xưa. Đến nay trong “kho tàng” của anh đã có hơn 5000 chiếc.

Hơn 5000 bộ cối đá xưa đã được anh Lộc dày công sưu tầm.
Hơn 5000 bộ cối đá xưa đã được anh Lộc dày công sưu tầm.

Nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang hơn 3 km về phía Tây, phóng viên tìm về nhà anh Huỳnh Hữu Lộc tại thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc để tận mắt chiêm ngưỡng bộ sưu tập hơn 5000 cối đá thủ công với nhiều kích thước, trọng lượng khác nhau và mang theo đó là bao câu chuyện thú vị của thời gian mà chủ nhân của nó đã dày công tìm tòi.

Hơn 12 năm qua, anh Huỳnh Hữu Lộc đã dành nhiều công sức, tiền bạc và cả thời gian lặn lội nhiều nơi để tìm kiếm, sưu tầm hàng nghìn chiếc cối các loại. Với ý tưởng tái hiện một phần không gian văn hóa xưa mà chủ đạo là những sinh hoạt liên quan đến cối đá, anh Lộc đang xây dựng một “bảo tàng” cối đá trong khuôn viên vườn nhà.

Những bộ cối đá mà anh Lộc đang sở hữu được giới chuyên môn nhận định có bộ có niên đại lên đến hàng trăm năm tuổi, bộ có niên đại ít nhất cũng vài chục năm. Những chiếc cối đá được sắp đặt dọc theo lối đi, cạnh những khu nhà cổ theo lối kiến trúc miền Trung trong khuôn viên sân vườn rộng khoảng 4500m2 đã tạo ấn tượng đặc biệt cho khách tham quan.

Đến đây, người xem như lạc vào mê cung cối đá bởi hiện vật này được trưng bày la liệt khắp lối đi. Để có được bộ sưu tập cối đá hiếm thấy này, từ nhiều năm qua, anh Lộc đã lang thang đến khắp các ngôi làng hẻo lánh ở các tỉnh miền Trung để sưu tầm, chọn lựa.

Anh Lộc đã dành nhiều thời gian công sức cho việc sưu tầm.
Anh Lộc đã dành nhiều thời gian công sức cho việc sưu tầm.

Trong đó nhiều nhất các bộ cối đá có nguồn gốc từ các làng quê ở Nam Trung Bộ như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… cùng với không gian trưng bày cối đá là những cây cảnh có giá trị như cây sam, cây thị cả trăm tuổi… Tất cả đang được đầu tư, xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, đặc biệt là những ai muốn quan tâm nghiên cứu văn hóa làng nghề truyền thống đương đại.

Sự phát triển của kinh tế thị trường khiến cối đá thủ công không còn hiện diện, rất nhiều làng quê xưa giờ đã vắng bóng cối đá. Vì vậy, việc anh Lộc đã bỏ công sức, tiền của để lưu giữ, bảo tồn cối đá là việc làm đáng trân trọng, bởi đó là vật gắn liền với văn hóa lao động vùng miền từ bao đời nay, gắn liền với cuộc sống của con người.

Anh Tuấn/Báo Pháp Luật

—— ——

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Quảng cáo